Đang xử lý.....

Bến Tre qua 10 năm thực hiện chỉ thị của TW về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Bảy, 07/11/2015, 00:00 (GMT+7) 507

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre

(Tạp chí Khoa học và Đời sống của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bến Tre)ảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mặt trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng.

Đối với giáo dục và đào tạo, Đảng ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, trong đó nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng. Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong thời gian qua.

Để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004. Tỉnh ủy Bến Tre đã có Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị này. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch 2445/KH-UBND ngày 31/5/2005 về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010 và Kế hoạch 2180/KH-UBND ngày 01/6/2011 về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2011-2015.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ này cơ bản được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hiện nay toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bến Tre có 1.286 cán bộ quản lý, 13.444 giáo viên và 1.897 nhân viên. Tỉ lệ cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục trong tỉnh đạt chuẩn về lý luận chính trị, nghiệp vụ quản lý ngày càng cao. Đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo chuyên môn trên chuẩn cũng không ngừng tăng lên. Tỷ lệ đảng viên của toàn ngành hiện nay đạt 51,2%, tăng 24,5% so với năm học 2004-2005.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục:

Về trình độ chuyên môn: Đội ngũ cán bộ quản lý cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn 100%. Tỉ lệ cán bộ quản lý trên chuẩn đào tạo ở cấp mầm non là 95,2%, tăng so với năm học 2004-2005 là 75,7%; cấp tiểu học là 95,8%, tăng so với năm học 2004-2005 là 59,5%; cấp trung học cơ sở 95,8%, tăng so với năm học 2004-2005 là 30,2%; cấp trung học phổ thông 16,8%, tăng so với năm học 2004-2005 là 13,9%.

Về trình độ quản lý giáo dục: Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng đạt tỷ lệ 79,9%, tăng so với năm học 2004-2005 là 32,7%.

Về trình độ lý luận chính trị: Cán bộ quản lý giáo dục đã được bồi dưỡng đạt tỉ lệ 69,8%, tăng so với năm học 2004-2005 là 48,2%.

Toàn ngành 54,9% cán bộ quản lý là nữ. Ở cấp học mầm non, cán bộ quản lý là nữ chiếm tỉ lệ 100%. Tuy nhiên càng lên cao, tỉ lệ cán bộ quản lý là nữ giảm dần: cấp tiểu học có 43,14% cán bộ quản lý là nữ; cấp trung học cơ sở có 37,02%; cấp trung học phổ thông có 25,78%; ở cơ quan quản lý cấp phòng, sở giáo dục và đào tạo, có 20,68%. Cán bộ quản lý giáo dục có tuổi dưới 40 chiếm tỉ lệ 29,05%.

Đối với đội ngũ nhà giáo:

Về trỉnh độ đào tạo, giáo viên mầm non đạt chuẩn 100%, tăng so với năm học 2004-2005 là 12,8%, trong đó trên chuẩn 80,2 %, tăng so với năm học 2004-2005 là 76,4%. Giáo viên tiểu học đạt chuẩn 100% , tăng so với năm học 2004-2005 là 5,1%, trong đó trên chuẩn 86,1%, tăng so với năm học 2004-2005 là 69,9%. Giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn 100%, tăng so với năm học 2004-2005 là 2,4%, trong đó trên chuẩn 77,0%, tăng so với năm học 2004 - 2005 là 58,6%. Giáo viên trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên đạt chuẩn 99,9% tăng so với năm học 2004-2005 là 10,8%, trong đó trên chuẩn 10,3%, tăng so với năm học 2004-2005 là 10,0%; dưới chuẩn 0,1%, giảm so với năm học 2004-2005 10,8%.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý và giảng dạy theo yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn chậm đổi mới, chưa sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy. Một số giáo viên giảng dạy còn nặng về lý thuyết, còn lúng túng trong việc đổi mới phương pháp dạy học; chưa tự giác học tập, nghiên cứu, chưa quan tâm khai thác triệt để trang thiết bị dạy học hiện đại. Một số cán bộ quản lý và giáo viên còn ngại khó, hạn chế về năng lực và tầm nhìn.

Do vậy để triển khai thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) thì cần phải chọn giải pháp đột phá là đầu tư xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tập trung vào một số yêu cầu sau:

Tích cực triển khai thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua lớn của ngành giáo dục và đào tạo như Cuộc vận động “ Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, qua đó giúp nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, viên chức ngành giáo dục và đào tạo về vị trí, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, giảng dạy trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục và đào tạo để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp và đào tạo, bồi dưỡng.  Chú trọng nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, tác phong của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm chuẩn, chất của cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên. Tiếp tục bồi dưỡng nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên các cấp học, tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đạt trình độ từ đại học trở lên.

Bồi dưỡng về năng lực sư phạm cho giáo viên để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế theo chương trình, sách giáo khoa mới kể từ năm học 2016-2017.

Tập trung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục năng lực quản lý về đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng hình thành năng lực và phẩm chất người học.  Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đương chức và dự bị, dự nguồn về lý luận chính trị, nghiệp vụ quản lý giáo dục; mạnh dạn chọn cán bộ nữ, trẻ đủ chuẩn, chất để bố trí làm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và thay thế số cán bộ không đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong thời gian tới.

Thực hiện tốt hơn nữa công tác nhận xét, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên hàng năm; từng bước nghiên cứu, đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, qua đó tạo cơ sở cho việc bố trí, sử dụng tốt đội ngũ. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác cán bộ ở các cơ sở giáo dục.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục, qua đó giúp phát huy những mặt tích cực trong quản lý và dạy học; kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những mặt hạn chế, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; kịp thời kiến nghị bổ sung, điều chỉnh những chế độ, chính sách còn bất hợp lý hiện nay. Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo; đồng thời, xây dựng lực lượng giáo viên, giảng viên cốt cán, đáp ứng nhiệm vụ phát triển giáo dục trong giai đoạn mới.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục, quyết định sự thành công của việc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo. Đối với tỉnh Bến Tre, việc tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu và được xem là giải pháp đột phá cho đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.

Bình luận