Đang xử lý.....

Bí quyết dạy kỹ năng sống qua môn Giáo dục công dân 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Sáu, 30/01/2015, 00:00 (GMT+7) 5023

Bí quyết dạy kỹ năng sống qua môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Cô Võ Thị Bích Hạnh - giáo viên Trường Phan Ngọc Tòng (Bến Tre) - chia sẻ những kinh nghiệm thành công khi thực hiện tích hợp giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy Giáo dục công dân lớp 12.

Lãm rõ nội dung, kỹ năng cần tích hợp

Cô Võ Thị Bích Hạnh cho rằng, khi giảng dạy theo hướng tích hợp, giáo viên cần tăng cường đầu tư nhiều hơn cho công tác chuẩn bị. Trong đó, công việc đầu tiên là xác định nội dung, địa chỉ tích hợp và các kỹ năng cần tích hợp.

Nội dung chương trình bộ môn Giáo dục công dân 12 theo chương trình giảm tải gồm 9 bài, được phân phối giảng dạy trong 37 tuần (bao gồm các tiết thực hành ngoại khóa, ôn tập, kiểm tra định kỳ).

Tuy nhiên, do đặc thù bộ môn phải tích hợp nhiều nội dung như giáo dục môi trường, giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng chống tham nhũng... nên trong quá trình giảng dạy, không phải bất cứ nội dung nào, hay tiết học nào giáo viên cũng dễ dàng thực hiện việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống.

Do đó, để hoạt động tích hợp đạt hiệu quả cao đòi hỏi người giáo viên dạy Giáo dục công dân phải linh hoạt và mềm dẻo trong việc lựa chọn nội dung bài học và kỹ năng sống cần thiết để tích hợp.

Hiện nay, theo Dự án giáo dục kỹ năng sống của UNICEF, kỹ năng sống là những kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh được chia thành nhiều loại như: Kỹ năng giao tiếp, hợp tác, phân tích, phê phán, điều hỉnh quản lí cảm xúc...

Vì thế, bên cạnh những định hướng tích hợp kỹ năng sống trong môn Giáo dục công dân của Bộ GD&ĐT, cô Võ Thị Bích Hạnh lưu ý, tùy vào nội dung bài học, giáo viên có thể chọn lựa thêm một số kỹ năng cần thiết để giáo dục học sinh.

Qua đó, công tác giáo dục kỹ năng sống sẽ phong phú hơn, toàn diện hơn đồng thời học sinh cũng dễ dàng hiểu và tiếp thu trọn vẹn các kỹ năng mà giáo viên cung cấp.

Lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học phù hợp

Cô Võ Thị Bích Hạnh cho rằng: Giờ dạy của giáo viên có đạt hiệu quả cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức dạy học.

Do vậy, trong quá trình chuẩn bị cho công tác giảng dạy, giáo viên phải quam tâm lựa chọn phương pháp dạy phù hợp để phát huy tính chủ động của học sinh đồng thời cũng góp phần hình thành trong các em kỹ năng tự tin và tư duy sáng tạo.

Đối với việc dạy học theo hướng tích hợp kỹ năng sống, tùy vào từng nội dung và kỹ năng được xác định trước, giáo viên sẽ định hướng phương pháp dạy phù hợp, không cứng nhắc, tạo được sự hợp tác qua lại giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh: có thể sử dụng phương pháp tích cực cũng có thể lựa chọn kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp tích cực.

Thể hiện hoạt động dạy học tích hợp trong giáo án

Theo cô Võ Thị Bích Hạnh, đây là bước quan trọng không thể thiếu trong công tác chuẩn bị của giáo viên.

Thông qua giáo án, giáo viên sẽ thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết định hướng giảng dạy của mình từ mục tiêu giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đến hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh.

Nhờ đó, giáo viên có thể làm chủ được quá trình truyền thụ tri thức và hạn chế thiếu sót trong quá trình giảng dạy.

Trong khi thiết kế nội dung dạy học tích hợp kỹ năng sống, giáo viên nên thiết kế cụ thể các hoạt động mà bản thân dự kiến sẽ tổ chức và ước lượng thời gian tổ chức để tránh ảnh hưởng đến việc truyền thụ và lĩnh hội nội dung kiến thức của học sinh.

Hải Bình (ghi)

Bình luận