Đang xử lý.....

Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Không phải kim chỉ nam dạy - học 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Bảy, 02/12/2023, 08:30 (GMT+7) 2823
|
GD&TĐ - Nhiều thầy cô lưu ý tránh coi Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025 là kim chỉ nam, thước đo cho dạy, học, kiểm tra.
Đề thi minh họa giúp học sinh hình dung cụ thể hơn về cấu trúc, nội dung cũng như mức độ cần đạt của đề thi từng môn học. Ảnh minh họa: ITN
Đề thi minh họa giúp học sinh hình dung cụ thể hơn về cấu trúc, nội dung cũng như mức độ cần đạt của đề thi từng môn học. Ảnh minh họa: ITN

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhưng nhiều thầy cô cũng lưu ý tránh coi đó là kim chỉ nam, thước đo cho dạy, học, kiểm tra. Điều này sẽ khiến việc dạy - học trở nên dập khuôn, máy móc, mất tính chủ động, sáng tạo; làm sai lệnh quan điểm, mục tiêu của chương trình mới.

Vai trò quan trọng của đề minh họa

Là học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, Bùi Thị Thùy - lớp 11A5, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cảm thấy nhẹ nhõm với phương án 4 môn. Điều Thùy mong muốn, trông đợi là sớm có đề minh họa để chủ động làm quen các dạng câu hỏi, có định hướng ôn tập, từ đó hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.

Cô Phạm Thị Thu Trang - Trường THPT Kim Bôi (Hòa Bình) cũng cho biết cả thầy và trò đều mong có đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; từ đó định rõ kiến thức, kỹ năng cần thiết trong giảng dạy, ôn tập. Từ đề minh họa, giáo viên sẽ tìm nguồn tài liệu phù hợp, biên soạn chuyên đề giảng dạy, ngân hàng câu hỏi, bộ đề minh họa, đề thi thử tương ứng.

“Đây là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 nên giáo viên và học sinh hoàn toàn mới mẻ, khó có thể áp dụng những đề tham khảo các năm qua. Chính vì vậy, việc sớm có đề thi minh họa cho kỳ thi năm 2025 vô cùng quan trọng giúp thầy, trò hình dung mức độ và phạm vi kiến thức”, cô Trang chia sẻ.

Nhấn mạnh lợi ích từ đề minh họa, thầy Hoàng Trọng Tú - Trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình) cho rằng, đây là tài liệu giúp học sinh định hướng nội dung cần ôn thi, tránh bị động trong học tập, yên tâm hơn với việc học. Về phía giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường sẽ có định hướng chuẩn bị cho công tác ôn tập, từ tài liệu, đề thi thử, định hướng ôn tập cho học sinh, qua đó nâng cao chất lượng dạy học.

Theo cô Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội), Chương trình GDPT 2018 đổi mới về mục tiêu, nội dung dạy học. Việc Bộ GD&ĐT ban hành sớm đề thi minh họa là cần thiết, giúp nhà trường, giáo viên, học sinh nắm, hình dung cụ thể hơn về cấu trúc, nội dung, yêu cầu, mức độ cần đạt của đề thi từng môn học.

Đây là cơ sở để nhà trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, phân công nhân sự (giáo viên)…, bảo đảm chất lượng, mục tiêu đầu ra ở mức cao nhất. Giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch, phân hóa học sinh, tiến hành các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá để phân luồng học sinh. Từ đó, thầy cô có phương pháp, cách thức tổ chức dạy học phù hợp từng đối tượng/nhóm đối tượng, phát huy tối đa năng lực, phẩm chất học sinh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của kỳ thi.

Đối với học sinh, đề minh họa như sự chỉ dẫn, định hướng giúp các em tự tin, chủ động trong việc học. Làm thử đề thi minh họa cùng với nhận xét, đánh giá, chấm điểm của giáo viên giúp học sinh nhìn nhận rõ năng lực, kỹ năng, điểm mạnh, cần cải tiến của bản thân để xây dựng cho mình lộ trình học tập nhằm chinh phục mục tiêu với kỳ thi.

Cô trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Không quá phụ thuộc đề minh họa

Thầy Tạ Duy Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) cho rằng, Chương trình GDPT 2018 còn mới mẻ, thầy cô chưa xác định được cấu trúc đề thi tốt nghiệp 2025 như thế nào. Nếu Bộ GD&ĐT ban hành đề minh họa, tổ nhóm chuyên môn nhà trường sẽ nhanh chóng họp, trao đổi, xác định lượng kiến thức phù hợp với cấp độ tương ứng trong cấu trúc đề thi; từ đó xây dựng nội dung và hướng dẫn học sinh ôn tập hiệu quả.

Thầy Hoàng Trọng Tú - Trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình) thì cho biết, sau khi có đề minh họa, nhà trường sẽ giao tổ nhóm chuyên môn chuẩn bị tài liệu, nội dung ôn tập. Các tổ nhóm chuyên môn tiến hành ôn tập cho học trò với nội dung bám sát đề minh họa. Đồng thời, cho các em làm thêm đề thi thử với nội dung tương tự; dựa vào mức độ của đề thi minh họa tiến hành phân nhóm học sinh theo từng cấp độ để ôn tập tốt hơn.

Triển khai dạy học, ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt kết quả cao, cô Đoàn Thu Hà chia sẻ, Ban giám hiệu Trường THCS - THPT Phenikaa sẽ chỉ đạo các tổ chuyên môn họp, nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá nhiều phương diện:

Cấu trúc, nội dung, yêu cầu phẩm chất, năng lực, các mức độ nhân thức… trong đề thi. Tổ chức cho học sinh làm bài thi minh họa, đánh giá mức độ hoàn thành, chất lượng, năng lực, thái độ trong việc thực hiện yêu cầu của đề. Từ đó có chỉ đạo cần thiết trong xây dựng chiến lược, mục tiêu, định hướng phương pháp, phân công nhân sự triển khai… để hoàn thành tiêu chí, yêu cầu của kỳ thi.

Với giáo viên, sau khi có đề minh họa, thầy cô lập kế hoạch dạy học theo giai đoạn: Dạy học kiến thức nền; dạy - ôn theo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức nền, khai thác sâu các đơn vị bài học trọng tâm; tiến hành kiểm tra, đánh giá theo chu kỳ (có phản hồi tích cực với học sinh, phụ huynh) để cải tiến phương pháp, cách thức dạy - học trong các giai đoạn tiếp theo.

Sau khi làm bài thi minh họa và quá trình dạy, ôn tập, giáo viên nhận diện, phân hóa học sinh theo trình độ năng lực, phẩm chất, khả năng và mức độ đáp ứng yêu cầu của đề thi. Từ đây, thầy cô có chiến lược, kỹ thuật giúp học sinh phát huy điểm mạnh, bổ trợ những điểm cần cải thiện.

Cô Hà lưu ý thêm, căn cứ vào đề thi minh họa, giáo viên triển khai xây dựng bộ đề thi theo các giai đoạn, bảo đảm bám sát cấu trúc, yêu cầu cần đạt về mức độ nhận thức của đề minh họa.

Bên cạnh đó, giáo viên cần mở rộng phạm vi đề tài, coi khung chương trình và mục tiêu cần đạt của chương trình là cơ sở cho hoạt động dạy - học - kiểm tra; tránh coi đề minh họa là kim chỉ nam, thước đo cho việc dạy, học, kiểm tra. Điều này khiến việc dạy và học trở nên dập khuôn, máy móc, mất tính chủ động, sáng tạo, học sinh khó thích ứng với các kỳ thi trong tương lai; làm sai lệnh quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Tại họp báo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Nguyên tắc học sinh phải học đến lớp 12 mới công bố đề thi minh họa. Tuy nhiên, năm 2025 là kỳ thi đầu tiên của lứa học sinh có 3 năm học THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Do đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định ngay sau khi thử nghiệm định dạng và cấu trúc đề thi sẽ công bố minh họa định dạng và cấu trúc, mô phỏng theo hướng cấu trúc đề thi 2025. Chất liệu, nội dung có thể sử dụng của lớp 10, lớp 11. Nhìn vào minh họa đó, chúng ta biết cách thức định dạng, cấu trúc mới của đề thi như thế nào, năng lực nào cần quan tâm và hàm lượng khoảng bao nhiêu. Dự kiến định dạng, cấu trúc minh họa trên sẽ được công bố trong quý IV/2023.